Categories

Popular Posts

NHỮNG TIÊU CHÍ ĐỂ PHÂN BIỆT DOANH NHÂN CHÂN CHÍNH...


NHỮNG TIÊU CHÍ ĐỂ PHÂN BIỆT DOANH NHÂN CHÂN CHÍNH...

LTSGặp gỡ & Đối thoại thứ Năm tuần này là cuộc trò chuyện với bà Phạm Chi Lan, ông Trần Hữu Huỳnh và ông Giản Tư Trung xung quanh câu chuyện doanh nhân Việt Nam mãi vẫn chưa lớn vì thiếu chính sách và sân chơi bình đẳng.

Chưa nhiều doanh nhân mang khát vọng lớn và ý chí thật cao


Là những người gần gũi và dõi theo từng bước tiến của giới doanh nhân, theo các vị, vì sao doanh nhân Việt Nam đông mà chưa mạnh?
Bà Phạm Chi Lan: Về số lượng doanh nhân, chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng nếu tính số doanh nhân gấp đôi số doanh nghiệp thì hiện nay chúng ta có khoảng 1 triệu doanh nhân. Đây cũng là một con số khá so với nhiều năm trước đây.
Còn về chất lượng thì còn nhiều vấn đề, bởi vì ở nước ta 92% doanh nghiệp là nhỏ và vừa, doanh nhân chưa qua đào tạo chiếm số lượng lớn nên chất lượng chưa đủ để lãnh đạo các doanh nghiệp từ nhỏ và vừa phát triển thành doanh nghiệp lớn. Tuy nhiên, tôi vẫn tin họ sẽ tìm kiếm được sức mạnh để vươn lên trong thời gian tới.
Ông Trần Hữu Huỳnh: Hiện nay, số doanh nhân nước ta đang ngày càng tăng lên với số lượng khoảng 500 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động. So với trước đây là có tăng, nhưng so với yêu cầu và thực tế của nền kinh tế của nước ta thì doanh nhân vẫn còn thiếu lắm. Còn nói về chất lượng, tôi nghĩ doanh nhân ta hiện nay vẫn còn thiếu nhiều yếu tố để trở thành doanh nhân lớn.

Ông Giản Tư Trung: Có thể tạm chia các doanh nhân hiện nay thành 3 loại phổ biến: 1. Loại doanh nhân quan hệ (kiếm tiền chủ yếu dựa vào các mối quan hệ); 2. Loại doanh nhân đầu cơ (kiếm tiền dựa vào đầu cơ, chụp giật); 3. Loại doanh nhân lấy dân làm gốc (dựa chủ yếu vào phục vụ xã hội).
Có thể nhìn thấy, trong số khoảng gần 500.000 doanh nghiệp hiện có khắp cả nước, số doanh nghiệp thuộc loại 3 này còn vô cùng ít ỏi.
Vậy thì theo các vị, để có thể tự tin bước vào sân chơi toàn cầu, các doanh nhân Việt Nam cần phải trau dồi  thêm những tố chất gì?
Ông Trần Hữu Huỳnh: Doanh nhân thiếu một năng lực cạnh tranh tốt để đua tranh với thế giới, thiếu năng lực quản trị doanh nghiệp hiệu quả và đặc biệt là hiểu và tuân thủ pháp luật. Mô hình doanh nghiệp tương lai sẽ phải khắc phục được những hạn chế đó.
Bà Phạm Chi Lan: Theo tôi, doanh nhân ta hiện nay thiếu nhất 3 điểm sau đây để xây dựng mô hình doanh nghiệp đột phá:
Một là, chưa có nhiều doanh nhân mang khát vọng to lớn và ý chí thật cao, nghĩ được rằng công việc kinh doanh không chỉ dừng lại ở việc làm giàu. Cái chí ở đây là vươn lên dẫn đường để lôi cuốn những người khác, dám nói lên những khát vọng của mình, hiện nay đã có nhưng vẫn rất hiếm. Hoặc trong xã hội Việt Nam như hiện nay, họ đang im lặng chăng, nhưng tôi nghĩ doanh nhân phải táo bạo.
Hai làthiếu tính liên kết thành chuỗi giữa các doanh nhân, doanh nghiệp. Các doanh nhân xin đừng nhìn nhau chỉ là cạnh tranh, mà theo quy luật thì cạnh tranh phải đi đôi với hợp tác, đôi khi hợp tác còn quan trọng hơn nhiều, bởi vì cuộc sống nhiều lúc phải dựa vào nhau mà sống. Đặc biệt là lúc đi ra thương trường quốc tế, nếu không hợp tác thì dễ bị cô lập, dễ bị gãy.
Một thực tế hiện nay chúng ta có nhiều các hiệp hội nhưng nhìn chung sau khi ra khỏi phòng họp thì mỗi ông đi theo một hướng của mình để giành phần thắng về mình, dẫn tới việc phá bỏ nhiều điều đã giao ước. Làm ăn như vậy thì thật đáng buồn.
Ba làthiếu tính sáng tạo. Bởi vì hiện nay, các sản phẩm không chỉ dừng lại ở việc giá rẻ, mà quan trọng hơn đó chính là tính sáng tạo. Trong thế giới hiện đại, kinh tế tri thức phát triển mạnh, toàn cầu hóa sâu rộng, tài nguyên cạn kiệt, tiếp thị xanh được chú ý nhiều thì sự cạnh tranh nhau ở sự sáng tạo của sản phẩm quyết định đến sự thành công của doanh nghiệp.
Ông Giản Tư Trung: Cái thiếu nhất có lẽ là các công ty tri thức. Để "đột phá", lớn mạnh và bền vững, doanh nhân nói riêng và cả nền kinh tế nói chung phải chọn con đường là hình thành nhiều công ty tri thức và kiến tạo một nền kinh tế tri thức, một nền kinh tế tạo ra giá trị lớn dựa trên chất xám và nền tảng văn hóa.
Doanh giới lâu nay cũng đang từng bước hướng đến tuyên ngôn: Tinh thần mới, Con người mới cho một Nền kinh doanh mới! Tinh thần mới là tinh thần "đua tranh" (khác với tinh thần "đổi mới", "hội nhập" của những năm 80, 90 thế kỷ trước và gần đây), tinh thần "chinh phục" (thay vì "chống chọi"); Con người mới là con người có khả năng tạo ra giá trị dựa vào tri thức, chất xám và sự sáng tạo, chứ không phải là dựa vào cơ bắp, tài nguyên, quan hệ hay đầu cơ..., là con người mang trong mình khát vọng và năng lực đua tranh; Nền kinh doanh mới chính là nền kinh doanh trong bối cảnh toàn cầu hóa với động lực là nền kinh tế tri thức và một môi trường kinh doanh đòi hỏi tính nhân bản cao hơn nhiều.
Kinh doanh là kiếm tiền bằng cách mang lại giá trị cho xã hội mà không gây hại cho cộng đồng. Nghĩa là kinh doanh vẫn là công việc kiếm tiền, nhưng doanh nhân khôn ngoan sẽ xem tiền là hệ quả chứ không phải là mục đích của kinh doanh.
Doanh nhân không dám nghĩ, dám làm vì cộng đồng thì chưa lớn được
Ngoài xã hội, người ta vẫn phàn nàn về việc nhiều doanh nhân làm ăn vẫn tư duy theo lối chụp giật, bất cần chữ tín.... khiến nhà nước và người tiêu dùng lãnh đủ.
Bà Phạm Chi Lan: Đối với chính doanh nhân, điều đầu tiên doanh nhân phải dám nghĩ, dám làm vì cộng đồng. Bởi vì, doanh nhân cũng là một nhân tố của xã hội nên doanh nhân đừng chỉ đòi hỏi xã hội, mà anh cũng phải tự hỏi xem mình đã đóng góp được gì cho xã hội, cho môi trường...
Doanh nhân không nên chỉ dừng lại ở các nhà từ thiện ủng hộ cái này cái kia, mà quan trọng là từ thiện trong chính hoạt động kinh doanh của mình như chăm lo môi trường và cuộc sống cho người lao động, điều kiện làm việc và thu nhập của họ; trách nhiệm đối với người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm do chính mình làm ra. Hãy xem sản phẩm mà doanh nhân làm ra như chính sản phẩm làm cho cha mẹ mình vậy.
Đối với xã hội hãy ủng hộ doanh nhân nhiều hơn cho họ phát triển, không nên có bất cứ sự kỳ thị nào đối với họ. Đồng thời, xã hội cũng phải quan tâm, giám sát và cần một cái nhìn nghiêm khắc để theo dõi hoạt động kinh doanh của doanh nhân.
Đối với Nhà nước, tôi mong những điều ghi trong các nghị quyết thì nhanh chóng đi vào cuộc sống thực tế. Đặc biệt là hiện nay, pháp luật chưa minh bạch để tạo điều kiện cạnh tranh lành mạnh cho doanh nhân, doanh nghiệp. Nhà nước vẫn ưu tiên doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trong khi đó chúng ta đa số là các doanh nghiệp nhỏ và vừa thì lại không chú ý đến bao nhiêu. Rõ ràng, trách nhiệm thuộc về cấp cao nhất khi thiết kế chính sách và luật.
Hiện nay, trong 3 văn kiện đang lấy ý kiến của nhân dân góp ý cho Đảng, tôi thấy đưa ra với ba cách diễn đạt khác nhau: có văn bản ghi là phát triển kinh tế tư nhân; có văn bản phía trên ghi kinh tế tư nhân là một trong những động lực nhưng phía dưới lại khẳng định kinh tế Nhà nước và kinh tế tập thể là chủ đạo, là nền tảng. Chính điều này đã tạo ra ưu đãi cho hai khu vực kia hơn là khu vực tư nhân, và thực tế như thế nào thì thời gian vừa qua cũng đã chứng minh đầy đủ.
Một câu hỏi đặt ra là hơn 60% nguồn lực của đất nước rơi vào tay doanh nghiệp nhà nước nhưng thử hỏi họ đã làm được những gì? Cạnh tranh không bình đẳng, quá "chiều" đứa con cưng đôi khi lại thành đứa con hư.
Những đột phá mà chúng ta mong muốn sẽ chẳng bao giờ thực hiện được nếu không trao cho doanh nghiệp tư nhân những ưu ái như doanh nghiệp nhà nước. Nước ngoài khuyên chúng ta nên chú ý phát triển nội lực mạnh hơn, vì vậy cần tạo điều kiện cho tư nhân mạnh hơn.
Ông Giản Tư Trung: Doanh nhân trước hết cũng là con người, mà đã là con người tử tế thì sẽ không bao giờ làm lợi cho mình bằng cách gây hại cho người khác, cho xã hội. Nền tảng văn hóa đó chính là nền móng, là "hệ điều hành" của con người doanh nhân, chi phối tất cả mọi suy nghĩ và quyết định của doanh nhân, doanh nghiệp. Với "hệ điều hành" này, họ sẽ không chụp giật, không lừa đảo, không ăn xổi ở thì, không làm hàng giả, hàng nhái, hàng dỏm, hàng độc hại, không gây hại môi trường...
Để nâng cao "tinh thần doanh nhân" cần một điều quan trọng, đó là sự cống hiến. Cống hiến ở đây cũng không nên nhầm lẫn với làm từ thiện. Cống hiến lớn nhất của doanh nhân là thông qua sản phẩm, dịch vụ của mình để phục vụ cộng đồng xã hội rộng lớn.
Ông Trần Hữu Huỳnh: Ngoài ra, để khắc phục thực trạng đó và nâng cao tinh thần doanh nhân thì giáo dục khát vọng kinh doanh và ý thức tôn trọng pháp luật cho doanh nhân là vô cùng quan trọng. Phải làm sao để doanh nhân có tiếng nói phản biện hơn đối với chính sách mà Nhà nước ban hành, sau đó nhà nước tiếp thu và giải hóa nó để đáp ứng với thời cuộc.
Doanh nhân cần được coi trọng hơn nữa và được nhà nước đối xử bình đẳng, xóa bỏ tình trạng con cưng, con rơi. Minh bạch thông tin, cơ hội, quy hoạch... để các doanh nhân có cơ hội tiếp cận nguồn lực như nhau, không gây tâm lý bên trọng, bên khinh.
Ngoài ra, để nâng cao tinh thần doanh nhân, việc đào tạo khát vọng làm giàu cũng rất quan trọng để nuôi dưỡng lý tưởng, chứ như hiện nay thì tôi thấy tâm lý "mơ làm quan" vẫn nhiều lắm.
Xã hội nhiều lần đòi hỏi các nhà chính trị phải minh bạch, doanh nhân phải đàng hoàng
Đây đó, người ta còn kháo nhau về những mối liên kết lợi ích nhóm, những cái bắt tay giữa doanh nhân và một vài nhà hoạch định chính sách nhằm thao túng, bắt chính sách quốc gia làm con tin, phục vụ cho những lợi ích riêng tư.... Ông bà bình luận gì về những chuyện này?
Bà Phạm Chi Lan: Theo tôi nên phân tích từng vế một.
Đối với Nhà chính trị, điều đầu tiên là sự minh bạch. Hiện nay chúng ta có Luật phòng chống tham nhũng nhưng thực tế vẫn chưa chống được bao nhiêu. Chìa khóa đầu tiên, tôi nghĩ là cần minh bạch về tài sản của nhà lãnh đạo chính trị, nhằm khắc phục tệ tham những và tránh đồn đại tiếng xấu cho các nhà chính trị.
Ý chí chính trị về sự minh bạch của các nhà lãnh đạo Việt Nam cần phải được học tập các nước trên thế giới, nhằm tạo nên niềm tin để nhân dân có thể tin tưởng.
Xã hội ta đã nhiều lần đòi hỏi các nhà chính trị phải minh bạch nhưng vẫn chưa được. Câu hỏi đặt ra là tại sao lại không dám minh bạch, sao không kê khai tài sản rồi công bố ra nếu không có cái gì khuất tất?
Đối với nhà chính trị, chìa khóa thứ hai là dân chủ, nghĩa là hãy cho người dân được nói, dù đúng, dù sai và từ đó đi đến đối thoại để giải quyết điều đúng sai đó. Tiếp đến, khát vọng chính trị là dám hy sinh riêng tư, hy sinh những phần bổng lộc, biết "nhịn" những tham vọng vật chất không phải là của mình, chế ngự lòng tham...
Còn đối với doanh nhân, thì họ sẽ được tôn trọng khi kinh doanh thực sự chứ không phải quan hệ, chạy chọt, tiếp tay cho tham nhũng, gây ra điều xấu cho xã hội. Người doanh nhân chân chính, muốn lâu dài thì phải đàng hoàng, theo luật pháp.
Hiện nay, nhiều doanh nhân theo "cánh hẩu" với những nhà chính trị nhưng họ vẫn không thấy đấy là điều sai, vẫn xem mình là người tài giỏi và xem khinh những người khác không bằng mình.
Một điểm quan trọng để giải bài toán này đó chính là sự bình đẳng, bởi vì coi trọng doanh nghiệp nhà nước thì sẽ tạo ra một số doanh nghiệp, doanh nhân đặc quyền đặc lợi, từ đó xảy ra một hệ quả là doanh nghiệp tư nhân cũng tìm cách để có được đặc quyền, đặc lợi đó bằng nhiều cách khác nhau, chính điều này đã tạo ra sự tham nhũng cho những nhà chính trị. Vì vậy, cần minh bạch theo tiêu chí của thị trường sẽ chặn được tình trạng "đi đêm" nhiều như hiện nay.
Ông Trần Hữu Huỳnh: Chỉ có thể làm giảm quan hệ bất minh khi mọi thông tin được công khai, được nhận diện. Đặc biệt là Việt Nam nên có công cụ để hóa giải những kiểu làm ăn bất chính, như việc nên có Luật Vận động hành lang, cho phép doanh nhân tiếp xúc công khai với nhà chính trị. Song song với nó là hệ thống pháp luật nghiêm minh.
Ngoài ra, theo tôi công chức, nhà chính trị nên ít tham gia vào các hoạt động kinh doanh của các doanh nhân, nếu không chúng ta sẽ tạo ra một hệ thống thân hữu trong bản chất cơ chế.

1 nhận xét :